– Chùa Ông tọa lạc ở số 22, đường Nguyễn Chí Thanh, thuộc phường 5, thành phố Vĩnh Long. Người dân địa phương nơi đây quen gọi là chùa “Ông” chứ thật ra tên gọi đúng phải là Thất Phủ Miếu bởi đang có 7 phủ của người hoa đang hiện diện tại đây gồm: Ninh Ba, Phước Châu, Chương Châu, Truyền Châu, Quảng Châu, Triều Châu và Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) của các tỉnh Trực Lệ, Phước Kiến và Quảng Đông.
– Miếu Thất Phủ làm theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Phía sau là chính điện, phía trước là tiền đường, hai bên là Đông Sương và Tây Sương. Diện tích xây dựng khoảng 800 mét vuông, xung quanh được bao kín bởi những vách gạch kiên cố. Tuy các khu vực chính nằm xa nhau nhưng có thể thông hành qua lại nhờ các nhà nối, gọi là “hà cầu” là những cây cầu bắc qua ao sen.
– Mái Thất Phủ miếu lợp ngói âm dương, được phong tô kỹ lưỡng. Chân mái ngói được viền một loại ngói đặc biệt có tráng men màu xanh. Các rìa mái uốn cong, tầng mái gian giữa cao hơn tầng mái của hai gian hai bên.
– Miếu Thất Phủ xây dựng theo kiểu cung đình, có năm cửa cái. Trên các vách cửa cái đều có vẽ hình các vị thần giữ cửa.
– Bên trong miếu có rất nhiều bao lam ốp vào hai hàng cột to từ ngoài vào trong. Phía trên có nhiều bức hoành, tất cả được sơn son thếp vàng, chạm khắc tỉ mỉ. Mỗi bộ phận trong ngôi miếu đều như những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, giàu bản sắc văn hóa Trung Hoa.
– Trong miếu có ba bàn thờ chính, bàn thờ giữa là khánh thờ Quan Thánh Đế Quân, Quan Bình Thái Tử, Châu Xương Tướng quân. Bên trái thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Bên phải thờ Phước Đức Chánh Thần. Trong vách có tượng ngựa xích thố và Mã đầu Tướng quân của Quan Công.
– Đáng chú ý là trong các hiện vật còn lưu giữ có một bức hoành khắc bốn chữ “Quan Thánh Phu Tử” được đem đi triển lãm ở hội chợ các nước thuộc địa tại Marseille (Pháp) năm 1922 đạt được Huy chương đồng.
– Hàng năm, tại miếu Thất Phủ có các ngày vía như ngày vía bà, vía Phước Đức Chánh Thần, tam Nguyên, Tứ Quý; đặc biệt nhất là ngày vía Ông (13 tháng Giêng và 13 tháng 5), ngày Tất niên (15 tháng 12), có hàng ngàn người đến chiêm bái, chẳng những đã thu hút bà con người Hoa, mà còn khách du lịch Vĩnh Long đến tham quan chiêm bái.
– Thất Phủ miếu của Vĩnh Long đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia ngày 25/01/1994.
Xem đầy đủ tại link sau: Quí Thầy Cô và các bạn nhấn vào đây để xem đầy đủ hình ảnh
Để lại một phản hồi