– Miếu Thiên Hậu ở Vĩnh Long được xây vào năm 1898, tọa lạc tại đường 30 tháng 4, phường 1, thành phố Vĩnh Long.
– Miếu Bà Thiên Hậu được xây dựng theo kiến trúc tứ hợp viện, có 16 cột gỗ bằng danh mộc, đòn tay bằng lõi gỗ cổ thụ. Từ cổng miếu nhìn vào là sân, kế đến là tiền điện, trung điện, chánh điện nối tiếp nhau theo kiểu chữ tam; giữa tiền điện và trung điện có thiên tỉnh; bên phải là tây lang.
– Bàn thờ chính ở trung tâm miếu được sử dụng để thờ Bà Thiên Hậu. Hai bên là bàn thờ Việt Thành Thủy Khẩu Long Mẫu Nương Nương (Nữ thần vùng biển Quảng Đông) và bàn thờ Kim Hoa Phổ Chủ Huệ Phước phu nhân (Thần chủ quản việc sinh đẻ). Ngoài việc xây dựng miếu thờ Bà Thiên Hậu, người Hoa cũng thờ nhiều vị thần khác (cả nam thần và nữ thần), đây là nét đặc trưng của người Hoa Vĩnh Long trong việc phối thờ thần.
– Các hiện vật thờ phụng trong miếu như: khám thờ, hoành phi, câu đối được chạm khắc và sơn son thếp vàng rực rỡ, với nhiều đề tài, điển tích phong phú. Đặc biệt, 2 bên vách chánh điện có 2 phù điêu bằng xi măng đắp nổi hình Bà Thiên Hậu với Thuận Phong Nhĩ, Thiên Lý Nhãn cùng hai tiên nữ bay trên biển (vách trái) và miêu tả cảnh Bà Thiên Hậu hiển linh cứu người trên biển (vách phải).
– Hàng năm, tại miếu Bà Thiên Hậu diễn ra nhiều ngày lễ. Trong đó, nổi bật là 3 lễ chính: lễ Nguyên Tiêu (rằm tháng giêng âm lịch), lễ vía Bà Thiên Hậu (22- 23/3 âm lịch) và lễ cúng Tất niên (12 tháng Chạp). Các lễ này nhân dân khắp nơi gồm cả người Kinh và người Hoa ở TP Vĩnh Long và các địa phương lân cận đến chiêm bái rất đông. Đây cũng là dịp để cộng đồng 2 dân tộc Kinh- Hoa có dịp giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc để cùng chung tay lao động sản xuất, góp phần thúc đẩy quê hương ngày càng phát triển, giàu mạnh.
Để lại một phản hồi