– Công Thần Miếu Vĩnh Long tọa lạc trên đường 14 tháng 9, thuộc phường 5, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, nằm bên tả ngạn sông Cổ Chiên.
– Miếu Công Thần là hậu lập miếu Hội Đồng tỉnh Vĩnh Long – nơi từng là thiết chế cấp tỉnh thời nhà Nguyễn. Các vị thần được thờ tại miếu Hội Đồng được triều đình nhìn nhận bằng sắc phong. Hằng năm các quan đầu tỉnh thay mặt triều đình đến tế theo điển lễ.
– Miếu có lối kiến trúc kiểu đình làng Nam Bộ, kèo cột đều bằng gỗ lim, rui mè đều bằng thứ gỗ tốt, được chạm trổ khéo léo. Bên trong thờ 85 đạo sắc cho 85 vị công thần được cấp thời vua Thiệu Trị và vua Tự Đức.
– Câu đối bằng chữ Hán ở miếu đã nói lên ý nghĩa đó như sau: “Phò Lê-Nguyễn tám mươi lăm vị công thần, tráng khí oai hùng vang trời Bắc; Bình Chiêm-Lạp hơn trăm ngàn chiến trận, danh thơm lừng lẫy khắp biển Nam.”
– Công Thần Miếu gồm có bốn gian: chính tẩm, võ qui, võ ca và nhà khách. Võ qui, võ ca và chính tẩm đều làm theo kiểu “tứ trụ”. Bộ giàn trò bằng danh mộc, kiên cố nhưng đơn giản. Ngôi miếu có tường gạch bao quanh, nền lót gạch, mái lợp ngói âm dương. Bên trong miếu công thần có rất nhiều hoành phi, câu đối từ các địa phương gần xa tiến cúng.
– Mỗi năm tại miếu Công Thần Vĩnh Long có các ngày lễ cúng được nhân dân khắp nơi về tham dự đông đảo như: Lễ Thượng nguyên và Lễ Bầu ông (Rằm và 16 tháng Giêng), Lễ Hạ điền (Rằm và 16 tháng 5) Lễ Trung nguyên (Rằm và 16 tháng 7); Lễ Thu tế (Rằm và 16 tháng 8); Lễ Thượng điển và Hạ nguyên (Rằm và 16 tháng 10); Lễ chạp miếu (Rằm và 16 tháng Chạp); Lễ Tất niên và Dựng nêu (25 tháng Chạp). Đặc biệt, một năm Lễ Xuân tế Cầu an là ngày lễ quan trọng nhất tại miếu Công Thần. Thời gian diễn ra lễ này kéo dài 4 ngày: 14, 15,16, 17 tháng hai (âm lịch), thu hút hàng ngàn người dân trong thành phố và các nơi khác về dự lễ. Lễ Xuân tế là dịp bà con đến lễ bái các vị thần linh cầu quốc thái dân an, lễ bái các vị tiền nhân với ý niệm uống nước nhớ nguồn. Lễ Xuân tế là dịp bà con họp mặt vui chơi, đàm đạo, xem hát bội.
– Miếu Công Thần được Bộ Văn hóá Thông tin (nay là Bộ Văn hóá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử Văn hóá quốc gia theo Quyết định số 1811 – QĐ/BVHTT, ngày 31/08/1998.
Một số hình ảnh của Công thần miếu:
Xem đầy đủ tại link sau: Quí Thầy Cô và các bạn nhấn vào đây để xem đầy đủ hình ảnh
Video clip về Công Thần Miếu:
Đang cập nhật
———–
Thông tin dự án:
Nguồn học liệu phục vụ môn Giáo dục địa phương tỉnh Vĩnh Long ở trang này là sản phẩm được thực hiện bởi nhóm tác giả: Lê Gia Mỹ – Lê Nguyễn Kim Khánh.
Học sinh lớp 11T2 (năm học 2023-2024) – trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm – tỉnh Vĩnh Long.
Để lại một phản hồi