– Địa chỉ: ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
– Chùa Phước Hậu là ngôi cổ tự tổ đình Phật giáo dòng Lâm Tế, phái Chúc Thánh, đồng thời nổi tiếng với công trình vườn kinh bằng đá độc đáo, có một không hai ở miền Tây.
– Ban đầu, chùa Phước Hậu chỉ là một chiếc am tranh đơn sơ nằm bên bờ sông Hậu, được vài thiền sư dừng chân tạm thời. Đến năm 1894, ông Hương cả làng Đông Hậu tên là Lê Văn Gồng vốn có lòng mộ đạo đã vận động bà con phật tử đứng ra xây dựng lại ngôi chùa bằng gỗ mái lợp ngói, đặt tên là chùa Đông Hậu. Mãi sau này chùa mới đổi tên thành Phước Hậu.
– Sau nhiều lần trùng tu, xây mới, chùa Phước Hậu hiện nay gồm nhiều công trình như: chánh điện, trung điện, hậu tổ, bảo tàng kinh các, hệ thống bảo tháp.
– Chánh điện chùa Phước Hậu hình chữ “Sơn”, nhìn xuống dòng sông. Mặt tiền chùa xây theo kiểu cổ lầu, giữa trang trí mô hình ngôi tháp bảy tầng cao chót vót.
– Nội điện khá rộng, bàn thờ giữa đặt tượng đức Phật Thích Ca dạng tọa thiền cùng với tượng Thái tử Tất Đạt Đa sơ sinh và bộ Tam tôn (Quan Âm, Di Đà, Thế Chí). Hai bên tả hữu ban có hai bàn thờ. Ở đây có nhóm tượng rất quý của ngôi chùa Đông Hậu xưa còn giữ được như tượng Tiêu Diện đại sĩ, Hộ Pháp, Địa Tạng, Chuẩn Đề và bộ tượng La Hán đều bằng gỗ hoặc bằng gốm Cây Mai.
– Khuôn viên chùa rộng rãi với nhiều cây cổ thụ quý hiếm lâu năm những vẫn xanh tốt và luôn tạo cảm giác khá uy thiêng pha lẫn nét thanh tịnh của chốn tu hành. Năm cạnh sông Trà Ôn, nên du khách luôn bắt gặp và cảm nhận bầu không khí nhẹ nhàng, thư thái rất lạ thường.
– Tuy nhiên, ấn tượng nhất đối với nhiều khách tham quan chính là những bài kinh khắc trên đá rất công phu, được nhà chùa bố trí hài hòa thành những khu vườn kinh theo chủ đề khác nhau. Để có vườn kinh đá độc đáo này, theo thượng tọa Thích Phước Cẩn (Trụ trì chùa Phước Hậu), vào năm 2014, trong một lần đi Myanmar, thầy thấy một số chùa tại đó khắc kinh trên đá rất đẹp nên quyết tâm nghiên cứu tìm cách khắc những bài kinh bằng tiếng Việt lên phiến đá. Với tổng diện tích hơn 10000m2, vườn kinh đá gồm 3 khu chính: vườn kinh pháp cú, vườn kinh Bát truyền trích dẫn, vườn kinh A di đà. Trong đó, vườn kinh pháp cú được xây dựng đầu tiên có quy mô lớn với diện tích khoảng 4000m2. Trong vườn, 216 phiến đá 2 mặt khắc 432 câu kinh ghi lại lời Phật dạy, hướng chúng sinh đến điều tốt đẹp.
– Ở đây, ngoài một số tượng dạng phù điêu như tượng Phật Thích Ca thành đạo, Phật nhập Niết Bàn, còn có một số tác phẩm điêu khắc độc đáo khác: những bức tranh đá có bố cục giản dị nhưng nét chạm khắc khá tinh xảo.
– Trong kháng chiến chống Đế quốc Mỹ, chùa Phước Hậu vốn là cơ sở hoạt động bí mật của các tổ chức Cách mạng khu vực Tây Nam Bộ. Năm 1994, chùa Phước Hậu được công nhận là di tích lịch sử Cách mạng và được đánh giá là một di tích có tầm quan trọng đặc biệt đối với lịch sử Phật giáo Việt Nam thế kỉ XX, cũng như lịch sử Cách mạng của tỉnh Vĩnh Long và khu Tây Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
– Hiện nay, với vườn kính đá rộng lớn mang nhiều ý nghĩa góp phần quan trọng khiến cho chùa Phước Hậu không chỉ nổi tiếng ở Vĩnh Long mà còn được nhiều phật tử ở khắp miền Tây Nam Bộ biết đến.
Để lại một phản hồi